vi-VNen-US
Hotline: 0913460889 (Mr. Thơ – Luật sư)

Tham gia tố tụng với tư cách nào?

16/07/2013 15:57        

Câu hỏi

Năm 2010, ông A là chủ tịch UBND huyện X đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính xử phạt đối với ông H là 5 triệu đồng vì hành vi nuôi tôm thẻ chân trắng đồng thời phạt bổ sung là hủy toàn bộ số lượng tôm chân trắng trên diện tích nuôi trồng là 2 ha. Ông H không chấp hành nên ông A – Chủ tịch UBND huyện ban hành quyết định cưỡng chế hủy toàn bộ tôm chân trắng trên diện tích 2 ha. Ông H khởi kiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Quyết định cưỡng chế và yêu cầu Tòa án buộc ông A bồi thường 3,65 tỷ đồng. Khi ông H khởi kiện vụ án hành chính thì ông A đã nghỉ hưu. Như vậy, có phải đưa ông A vào tham gia tố tụng không và với tư cách nào?

 Trả lời

Khoản 1 và khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính quy định:

“1. Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành, quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.

2. Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật”.

Tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn:

“Người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính là người có chức vụ, chức danh cụ thể và theo quy định của pháp luật thì người có chức vụ, chức danh đó mới có thẩm quyền ra quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính. Trường hợp quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính do một người cụ thể ký hoặc thực hiện, nhưng người đó ký quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính với danh nghĩa một chức vụ, chức danh có thẩm quyền thì quyết định hành chính, hành vi hành chính đó là của người đảm nhiệm chức vụ, chức danh đó”.

Quyết định XPVPHC và Quyết định cưỡng chế thi hành QĐXPVPHC là các quyết định của Chủ tịch UBND huyện X. Từ những căn cứ trên, trong trường hợp này, đối tượng khởi kiện là Quyết định XPVPHC và Quyết định cưỡng chế thi hành QĐXPVPHC; người bị kiện là người có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính bị khiếu kiện đó là của Chủ tịch UBND huyện X chứ không phải cá nhân ông A.

Do vậy, khi ông H khởi kiện quyết định hình chính của Chủ tịch UBND huyện X do ông A là Chủ tịch UBND huyện ký quyết định đó, nhưng ông A đã nghỉ hưu thì Tòa án không đưa ông A tham gia tố tụng với tư cách người bị kiện; trong trường hợp này thì Chủ tịch UBND huyện X đương nhiệm là người bị kiện, mặc dù không ký quyết định hành chính bị khởi kiện nhưng vì Chủ tịch UBND huyện đương nhiệm kế thừa quyền, nghĩa vụ của Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ trước.