vi-VNen-US
Hotline: 0913460889 (Mr. Thơ – Luật sư)

Quyết định của viện kiểm sát trong thời gian chuẩn bị xét xử

12/08/2013 08:26        

Trong thời gian chuẩn bị xét xử, các quyết định chủ yếu do Toà án thực hiện. Tuy nhiên, để bảo đảm việc truy tố đúng người đúng tội, nên Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định trong thời gian chuẩn bị xét xử Viện kiểm sát cũng có thể ra một số quyết định như: Quyết định rút quyết định truy tố; quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án sau khi Toà án trả hồ sơ để điều tra bổ sung và một số quyết định khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Trong các quyết định trên, thì quyết định rút quyết định truy tố là quyết định trong thời gian chuẩn bị xét xử, còn các quyết định khác thực chất là trong giai đoạn truy tố nhưng vì có liên quan đến giai đoạn chuẩn bị xét xử, vì các quyết định này sau khi Toà án trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.

1. Quyết định rút quyết định truy tố

Theo quy định tại Điều 181 Bộ luật tố tụng hình sự, thì sau khi Viện kiểm sát đã chuyển hồ sơ vụ án và bản cáo trạng đến Toà án và Toà án đã thụ lý để chuẩn bị xét xử, nhưng xét thấy có một trong những căn cứ quy định tại Điều 107 của Bộ luật tố tụng hình sự hoặc có căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự cho bị can, bị cáo theo quy định tại Điều 19, Điều 25 và khoản 2 Điều 69 của Bộ luật hình sự, thì Viện kiểm sát rút quyết định truy tố trước khi mở phiên toà và đề nghị Toà án đình chỉ vụ án.

a. Có một trong những căn cứ quy định tại Điều 107 của Bộ luật tố tụng hình sự

- Không có sự việc phạm tội

Không có sự việc phạm tội là tội phạm mà Viện kiểm sát đã truy tố đối với một hoặc một số người theo Bộ luật hình sự không xảy ra trong thực tế. Ví dụ: Nguyễn Văn A bị kết án về tội giết người theo Điều 93 Bộ luật hình sự nhưng thực tế vụ án giết người đó không có (không xảy ra) vì người được coi là bị giết vẫn sống bình thường ở một nơi khác. Đối với một số tội phạm xâm phạm đến các quan hệ sở hữu, quan hệ kinh tế, việc nhận diện tội phạm nhiều trường hợp cũng không phải dễ dàng. Ví dụ: một người bị kết án về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, nhưng thực tế không có vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, mà đó chỉ là quan hệ pháp luật dân sự. Việc xác định có sự việc phạm tội hay không chủ yếu là do công tác trinh sát, điều tra và khởi tố vụ án hình sự . Tuy nhiên, trong quá trình tố tụng các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cũng có thể phát hiện vụ án đã khởi tố không xảy ra và tuỳ thuộc vào giai đoạn tố tụng mà ra quyết định đình chỉ vụ án, nhưng cũng có trường hợp trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm Viện kiểm sát mới phát hiện tội phạm mà Viện kiểm sát truy tố đối với bị cáo không xảy ra, nên rút quyết định truy tố và đề nghị Toà án đình chỉ vụ án.

- Hành vi không cấu thành tội phạm

Khác với trường hợp không có sự việc phạm tội, trường hợp này có một người hoặc một số người thực hiện một hoặc một số hành vi, nhưng hành vi của họ không cấu thành tội phạm. Hành vi không cấu thành tội phạm có thể là hành vi vi phạm pháp luật hoặc đó là hành vi hợp pháp, nhưng do đánh giá sai tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi nên đã truy tố người thực hiện hành vi đó về một tội mà Bộ luật hình sự quy định. Sai lầm này chủ yếu là do trình độ nghiệp vụ, năng lực công tác trong việc xác định các yếu tố cấu thành tội phạm về một hành vi cụ thể đã xảy ra.

Hành vi không cấu thành tội phạm được biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau:

- Trước hết, hành vi đó thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 8 Bộ luật hình sự "tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể". Ví dụ: Trộm cắp vài trái cây trong vườn, câu trộm vài con cá dưới ao hoặc gây thương tích cho người khác nhưng tỷ lệ thương tật một vài phần trăm và không thuộc một trang các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự. v.v... .

- Hành vi không cấu thành tội phạm là hành vi thiếu một trong các yếu tố cấu thành tội phạm. Khoa học luật hình sự ở nước ta cũng như các nước trên thế giới đều cho rằng tội phạm được cấu thành bởi 4 yếu tố hay nói cách khác: Bốn yếu tố cấu thành tội phạm mà các giáo trình giảng dạy ở các trường Đại học hiện nay được lưu hành. Bốn yếu tố đó là: khách thể, chủ thể, mặt khách quan và mặt chủ quan. Nếu thiếu một trong bốn yếu tố thì hành vi cũng không cấu thành tội phạm.

- Hành vi không cấu thành tội phạm là thuộc một trong các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự như: phòng về chính đáng; sự kiện bất ngờ; tình thế cấp thiết; tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự; chuẩn bị phạm tội ít nghiêm trọng; tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Các trường hợp trên, suy cho đến cùng thì nó cũng thuộc trường hợp thiếu yếu tố cấu thành tội phạm, nhưng vì nó là những trường hợp đặc biệt nên Bộ luật hình sự quy định thành các chế định riêng cho tiện việc nghiên cứu áp dụng.

- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi trở lên đến chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Còn người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

Tuổi chịu trách nhiệm hình sự là một dấu hiệu thuộc yếu tố chủ thể của tội phạm, những người chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực chất là chưa thoả mãn các yếu tố cấu thành tội phạm và suy cho đến cùng thì hành vi của người chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự cũng là hành vi không cấu thành tội phạm, nhưng dấu hiệu không cấu thành thuộc yếu tố chủ thể và nó chỉ là dấu hiệu về tuổi của người có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Nếu loại bỏ yếu tố này thì hành vi của họ thực sự là một tội phạm có đủ các dấu hiệu về khách thể, mặt chủ quan và khách quan. Có chủ thể của tội phạm, nhưng chủ thể chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Bộ luật hình sự nước ta quy định hai độ tuổi, hai mức chịu trách nhiệm hình sự khác nhau:

Người từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về những tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Thực tiễn xét xử, những sai lầm, trong việc xác định trách nhiệm hình sự đối với người chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự chủ yếu là đối với các tội vừa là tội phạm nghiêm trọng lại vừa là tội rất nghiêm trọng hoặc vừa là tội phạm nghiêm trọng vừa là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Ví dụ: Nguyễn Văn A 15 tuổi bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự vì các cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng hành vi phạm tội của A có tính chất côn đồ và thương tật mà bị cáo gây ra cho nạn nhân là 45%. Nhưng thực tế Nguyễn Văn A cố ý gây thương tích không thuộc trường hợp có tính chất côn đồ mà chỉ thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự mà khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự là tội phạm nghiêm trọng, nên Nguyễn Văn A chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Loại sai lầm này xuất phát từ sai lầm trong việc nhận thức về các dấu hiệu cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp do không xác định đúng tuổi của người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nên đã truy tố người chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự như: chỉ căn cứ vào lời khai của người phạm tội và thân nhân của bị cáo về ngày tháng năm sinh, không được điều tra xác minh tuổi thật của họ hoặc căn cứ vào căn cước lý lịch của người phạm tội do Cơ quan điều tra lập, chính quyền địa phương xác nhận mà không yêu cầu xuất trình giấy khai sinh hay xác minh sổ hộ tịch ở địa phương, nên đã xác định không đúng tuổi thật của người phạm tội dẫn đến việc truy tố không đúng.

- Người mà hành vi của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật.

Việc truy tố một người có hành vi phạm tội, luật pháp nước ta cũng như các nước trên thế giới đều tuân theo nguyên tắc: Một hành vi phạm tội chỉ bị xử lý một lần. Vì vậy, khi khởi tố vụ án hình sự và suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử nếu ở giai đoạn nào phát hiện hành vi phạm tội đang bị truy cứu đã có một bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật thì các cơ quan tiến hành tố tụng không được khởi tố vụ án hình sự, không được khởi tố bị can, không được truy tố, không được đưa ra xét xử; nếu đã đưa ra xét xử thì không được kết án người đã có hành vi đó nữa. Trường hợp nếu bản án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện việc kết án đó là trái pháp luật thì thì cấp giám đốc thẩm phải huỷ bản án đã có hiệu lực và đình chỉ vụ án đối với người bị kết án.

Thực tiễn xét xử đối với những trường hợp phải đình chỉ vụ án vì người mà hành vi của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật rất ít xảy ra. Vì đây là căn cứ để không được khởi tố vụ án hình sự  hình sự, những sai sót này hầu như đã được khắc phục ở giai đoạn điều tra, truy tố. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên thực tiễn xét xử vẫn có trường hợp Viện kiểm sát truy tố người mà hành vi của họ đã có bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

- Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn theo quy định của pháp luật kể từ khi thực hiện tội phạm sau một thời gian nhất định nếu cơ quan tiến hành tố tụng không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ thì không được truy cứu nữa.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Bộ luật hình sự thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

- Năm năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng. Ví dụ: một người phạm tội đe doạ giết người thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 103 Bộ luật hình sự xảy ra ngày 1-1-2000, đến ngày 2-1-2005 Cơ quan điều tra mới tiến hành khởi tố vụ án hình sự thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi đe doạ giết người đã hết.

- Mười năm đối với các tội phạm nghiêm trọng;

- Mười lăm năm đối với các tội phạm rất nghiêm trọng;

- Hai mươi năm đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Nếu trong thời hạn nói trên, người phạm tội lại phạm tội mới mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên một năm tù, thì thời gian đã qua không được tính và thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày phạm tội mới.

Nếu trong thời hạn nói trên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã thì thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu tính lại kể từ khi người phạm tội ra tự thú hoặc bị bắt giữ. Thời gian trốn tránh nếu không có lệnh truy nã thì vẫn được tính vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại Điều 24 Bộ luật hình sự thì, không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 23 đối với các tội quy định Chương XI (các tội xâm phạm an ninh quốc gia) và Chương XXIV (các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh) của Bộ luật hình sự.

- Tội phạm đã được đại xá.

Một người đã thực hiện hành vi phạm tội, nhưng trước khi bị khởi tố, tội phạm đó đã được đại xá thì người có hành vi phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thực tiễn xét xử, hầu như không có trường hợp nào một tội phạm đã được đại xá mà người phạm tội lại vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.

Nói chung, một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết trước khi khởi tố vụ án hình sự  thì không khởi tố vụ án hình sự; Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử nếu người phạm tội chết ở giai đoạn nào thì cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định đình chỉ vụ án ở giai đoạn đó. Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà ra quyết định đình chỉ vụ án trong trường hợp chưa đưa vụ án ra xét xử mà bị can bị hoặc bị cáo chết. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, sau khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử nhưng trước ngày mở phiên toà mà bị cáo chết thì Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà không có quyền ra quyết định đình chỉ vụ án mà quyền đó thuộc về Hội đồng xét xử (Hội đồng xét xử được ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử). Đây cũng là vấn đề về lý luận cũng như thực tiễn xét xử còn nhiều ý kiến khác nhau. Trước khi có Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, để đưa một vụ án ra xét xử thường có một phiên toà trù bị (phiên họp trù bị) giữa Hội đồng xét xử với Kiểm sát viên để xem xét các điều kiện cần thiết cần phải hoàn thiện trước khi mở phiên toà và mọi quyết định sẽ do Hội đồng xét xử trù bị ban hành kể cả quyết định đình chỉ vụ án nếu bị cáo chết trước khi mở phiên toà chính thức. Tuy nhiên, Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 không có quy định phiên toà trù bị mà chỉ quy định thời hạn chuẩn bị xét xử, và thời hạn chuẩn bị xét xử được hiểu là từ lúc Toà án thụ lý hồ sơ vụ án đến ngày mở phiên toà; việc Toà án quyết định đưa vụ án ra xét xử cũng chỉ là một việc cần thiết cho việc chuẩn bị xét xử. Do đó, nếu bị cáo chết trước ngày mở phiên toà thì Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà vẫn có quyền ra quyết định đình chỉ vụ án.

b. Có căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự cho bị can, bị cáo

Theo quy định của Bộ luật hình sự bị can, bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp sau:  

- Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội

Điều 19 Bộ luật hình sự quy định: "Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản. Người tự nguyện nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố của một tội khác thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này".

Về lý luận, thì tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội chỉ xảy ra trong trường hợp tội phạm được thực hiện ở giai đoạn chưa đạt, chưa hoàn thành và chuẩn bị phạm tội. Còn ở những giai đoạn khác không thể có "tự nguyện nửa chừng chấm dứt việc phạm tội" mà chỉ có thể "tự ý chấm dứt tội phạm" ở giai đoạn tội phạm chưa đạt đã hoàn thành và giai đoạn tội phạm hoàn thành, người phạm tội đã thực hiện đầy đủ những dấu hiệu khách quan và chủ quan của tội phạm.

Khi xem xét một vụ án có vấn đề tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội phạm hay không, thì điều kiện trước hết là phải xét người phạm tội thực hiện tội phạm được dừng lại ở giai đoạn nào, nếu dừng lại ở giai đoạn phạm tội chưa đạt đã hoàn thành hoặc tội phạm đã hoàn thành thì mặc dù người phạm tội có tự ý dừng lại không thực hiện nữa cũng không được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Sự tự ý phải dứt khoát, triệt để chứ không phải là tạm thời, chốc lát.

Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội phạm được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm. Còn hành vi thực tế mà họ đã thực hiện trước khi họ tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội phạm, nếu có đầy đủ dấu hiệu cấu thành một tội khác thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự  về tội đó. Ví dụ:định giết người, nhưng mới đâm một nhát thấy nạn nhân bị thương, thấy vậy thôi không đâm nữa, tuy không có gì ngăn cản, thì người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội giết người, nhưng y vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích đã gây ra.

Trong một vụ án có đồng phạm, vấn đề tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội phạm không giống như trường hợp phạm tội riêng lẻ (chỉ có một người thực hiện). Chỉ có người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm mới áp dụng lý luận về tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội phạm như trường hợp phạm tội riêng lẻ, còn những người khác như: người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức thì phải có thêm những điều kiện khác ngoài hai điều kiện đã quy định như đối với người thực hành. Những điều kiện đó là:

- Sự tự ý của người đồng phạm phải xảy ra trước khi người thực hành trực tiếp bắt tay vào việc thực hiện tội phạm;

- Đồng thời với sự tự ý, họ phải có những hành động tích cực ngăn ngừa tội phạm xảy ra.

- Do sự chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa

Tội phạm là một hiện tượng xã hội nên nó cũng có tính lịch sử, vào thời điểm thực hiện hành vi tội phạm do yêu cầu của xã hội và các quy định của pháp luật thì hành vi đó phải cần xử lý bằng biện pháp hình sự, nhưng sau đó, khi các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện chức năng của mình để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi phạm tội thì tình hình xã hội đã thay đổi, Nhà nước thấy không cần phải xử lý người có hành vi phạm tội trước đó bằng biện pháp hình sự nữa. Sự chuyển biến của tình hình là sự chuyển biến về tất cả các mặt của đời sống xã hội như: chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học-kỹ thuật v.v... Tuy nhiên khi xét tính chất nguy hiểm của hành hành vi phạm tội không còn nữa thì phải xem xét hành vi phạm tội trước đó xâm phạm đến quan hệ xã hội nào và quan hệ xã hội đó có chuyển biến làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm nữa không ? ở đây sự chuyển biết của tình hình đã là nguyên nhân làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm nữa. Ví dụ: Trước đây ai tàng trữ, mua bán vàng, bạc dù đó là vàng, bạc thuộc sở hữu của mình đều bị coi là hành vi phạm tội tàng trữ, mua bán hàng cấm, nhưng từ khi Nhà nước có chủ trường cho phép tư nhân được kinh doanh vàng bạc thì hành vi tàng trữ mua bán vàng, bạc không bị coi là hành vi phạm tội tàng trữ mua bán hàng cấm nữa, nếu người có hành vi mua bán vàng, bạc trước khi Nhà nước có chủ trương cho mua bán vàng bạc, nhưng chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà sau khi Nhà nước có chủ trương cho mua bán mới bị khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử thì tuy vào giai đoạn tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng quyết định miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho người phạm tội.

Căn cứ để xác định do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa là những quy định của Nhà nước có liên quan đến hành vi phạm tội, các quy định này nhất thiết phải bằng văn bản có tính pháp quy bao gồm Hiến pháp, luật, pháp lệnh, quyết định, nghị quyết của chính phủ hoặc Thủ tướng chính phủ, các thông tư hướng dẫn của các bộ hoặc cơ quan ngang bộ và trong một số trường hợp có thể là nghị quyết của Hội đồng nhân tỉnh hoặc của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, nếu các quyết định này không trái với hiến pháp pháp luật. Nếu sự chuyển biến của tình hình và tình hình đó tuy có liên quan đến tính chất nguy hiểm của hành vi tội phạm đã xảy ra nhưng chưa được Nhà nước quy định thì người có hành vi phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng các trường hợp phạm tội khác. Ví dụ: Ai cũng biết việc mua bán ngoại tệ hiện nay trên thị trường tự do xảy ra như là một điều hiển nhiên và không ít trường hợp mua bán ngoại tệ xảy ra rất nghiêm trọng nhưng khi xử lý hành vi này có không ít quan điểm cho rằng hành vi mua bán trái phép ngoại tệ không còn nguy hiểm nữa, trong khi đó Nhà nước vẫn nghiêm cấm hành vi buôn bán ngoại tệ trái phép và nếu ai vi phạm vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Bộ luật hình sự thì sự chuyển biến của tình hình làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa được xác định vào thời điểm khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, nên ở giai đoạn truy tố Viện kiểm sát được áp dụng khoản 1 Điều 25 Bộ luật hình sự để đình chỉ vụ án. Quy định này khác với Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định "khi tiễn hành điều tra hoặc xét xử", trái với quy định tại Điều 143b Bộ luật tố tụng hình sự. Nhằm khắc phục mâu thuẫn trên, Bộ luật hình sự năm 1999 quy định "khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử"

- Do sự chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa

Do sự chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa về lý luận cũng như thực tiễn tuy có một số trường hợp khó xác định nhưng không khó bằng trường hợp do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Trong thực tiễn các cơ quan tiến hành tố tụng cũng rất ít áp dụng trường hợp này để miến trách nhiệm hình sự cho người phạm tội. Cũng có ý kiến cho rằng, khi phạm tội họ là người nguy hiểm cho xã hội, nhưng sau đó họ trở thành người tốt có ích cho xã hội và xã hội rất cần họ thì nên coi là do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa để miễn trách nhiệm hình sự cho họ, như vậy theo ý kiến này thì tình hình chuyển biến ở đây lại chính là sự biến đổi cá nhân của người phạm tội chứ không phải tình hình xã hội. Ví dụ: Một cán bộ phạm tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa nhưng trong quá trình điều tra vụ án người cán bộ này đã có một sáng kiến lớn trong sản xuất đem lại hiệu quả cao làm lợi cho Nhà nước nhiều triệu đồng. Cách đặt vấn đề như quan điểm này rõ ràng là không phân biệt tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự với các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đồng thời đồng nhất giữa yếu tố khách quan với yếu tố chủ quan (sự nỗ lực của con người, sự ăn năn hối cải sau khi phạm tội, cũng như hành vi lập công chuộc tội...). Do sự chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa phải được hiểu rằng bản thân người phạm tội không có sự biến đổi nào, khi phạm tội họ là người như thế nào thì nay vẫn như vậy, nhưng do tình hình xã hội thay đổi nên họ không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, nguyên nhân làm cho họ không còn nguy hiểm cho xã hội nữa chính là do tình hình thay đổi chứ không phải do nỗ lực của bản thân họ, chính do không nắm chắc yếu tố này nên trong thực tiễn có nhiều người lầm tưởng sự nỗ lực của bản thân người phạm tội nên họ không còn nguy hiểm cho xã hội nữa và đã miễn trách nhiệm hình sự cho họ. Mặc dù trong thực tiễn những trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa rất ít xảy ra nhưng về lý thuyết không phải là không có. Ví dụ: Trong thời kỳ chiến tranh, do nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu đòi hỏi phải huy động tới mức tối đa sức người sức của để phục vụ chiến đấu nên huy động cả người có hành vi phạm tội nhưng chưa bị xử lý vào các đơn vị phục vụ chiến đấu như cứu thương, tải đạn. Do tình hình này mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa nên họ được các cơ quan tiến hành tố tụng miễn trách nhiệm hình sự cho họ để họ thực hiện nhiệm vụ mà Nhà nước giao cho họ. Trong điều kiện đất nước không còn chiến tranh, nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu có thể không thường xuyên xảy ra nhưng như vậy không có nghĩa là việc sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu bị lơ là. Ngoài nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đất nước ta còn thường xuyên xảy ra thiên tai ( bão tố lũ lụt) việc huy động sức người, sức của cũng đòi hỏi phải cấp thiết với tinh thần chống thiên tai như chống địch hoạ. Những người tuy đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhưng vì tình hình lũ lụt xảy ra, họ được huy động thực hiện nhiệm vụ cứu người, cứu của, nên việc miễn trách nhiệm hình sự đối với họ không chỉ nhằm bảo đảm thực hiện nhiệm vụ cấp bách và với tình hình xã hội thay đổi họ không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Cũng được có là do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa trong trường hợp người phạm tội phải thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt mà thiếu họ thì nhiệm vụ đó khó hoàn thành nên các cơ quan tiến hành tố tụng đã miễn trách nhiệm hình sự cho họ để họ nhận nhiệm vụ đặc biệt đó.

- Có quyết định đại xá

Người phạm tội đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự khi Nhà nước có quyết định đại xá.

Đại xá là việc miễn trách nhiệm hình sự đối với một loại tội phạm hoặc một người phạm tội nhất định. Văn bản đại xá có hiệu lực đối với những hành vi phạm tội được nêu trong văn bản đó xảy ra trước khi ban hành văn bản đại xá thì được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu đã khởi tố, truy tố hoặc xét xử thì phải đình chỉ, nếu đã chấp hành xong hình phạt thì được coi là không có án tích.

Theo quy định của Hiến pháp nước Cộng Hoà Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam, thì chỉ có Quốc hội mới có thẩm quyền quyết định đại xá ( khoản 10 Điều 84). Thông thường quyết định đại xá được ban hành nhân dịp những sự kiện quan trọng nhất của đất nước, biểu hiện sự nhân đạo của Nhà nước ta đối với người phạm tội.

Nếu tính từ khi Quốc hội nước Cộng Hoà Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam thông qua Hiến pháp năm 1992 đến nay, Nhà nước ta chưa có lần nào ra quyết định đại xá, nhưng căn cứ vào nội dung của các nghị quyết của Quốc hội như: Nghị quyết 32/1999/QH10 ngày 21-12-1999 về việc thi hành Bộ luật hình sự thì nội dung của Nghị quyết này có chứa đựng nội dung của đại xá. Ví dụ: Bộ luật hình sự năm 1999 có hiệu lực từ 0 giờ 00 ngày 1-7-2000, nhưng Nghị quyết số 32 quy định "kể từ ngày Bộ luật hình sự được công bố, không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử người phạm những tội mà Bộ luật hình sự đã bỏ hình phạt tử hình, đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi xét xử; hình phạt tử hình đã tuyên đối với những người thuộc trường hợp nêu trên mà chưa thi hành, thì không thi hành nữa..." (Mục 3 Nghị quyết 32). Tuy Nghị quyết 32 không phải là quyết định đại xá, nhưng nội dung của nghị quyết 32 thể hiện nội dung đại xá.

Cần phân biệt đại xá với đặc xá. Đặc xá là miễn toàn bộ hay một phần hình phạt đối với một hoặc một số người bị kết án. Theo quy định của Hiến pháp năm 1992 thì chỉ có Chủ tịch nước Cộng Hoà Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam mới có quyền ra quết định đặc xá. ở nước ta, đặc xá được Chủ tịch nước quyết định vào các dịp giải phòng hoàn toàn miền Nam 30-4 hoặc dịp quốc khánh 2-9. Ví dụ: năm 2000 Chủ tịch quyết định đặc xã hai đợt vào dịp 30-4 và 2-9.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu có đủ các điều kiện sau:

 - Người phạm tội tự thú trước khi hành vi phạm tội bị phát giác

Tự thú là tự khai ra hành vi phạm tội của mình với các nhà chức trách. Việc người phạm tội tự khai ra hành vi phạm tội của mình với nhà chức trách là biểu hiện của sự ăn năn hối cải về việc làm sai trái của mình nên đáng được khoan hồng, nhưng mức độ khoan hồng tới đâu thì lại phải căn cứ vào chính sách hình sự của Nhà nước; căn cứ vào tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, hậu quả đã xảy ra; thái độ khai báo; sự góp phần vào việc phát hiện và điều tra tội phạm của người tự thú. Tại Thông tư liên ngành số 05/TTLN ngày 2-6-1990 của Bộ nội vụ ( nay là Bộ công an), Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ tư pháp hướng dẫn thi hành chính sách đối với người phạm tội ra tự thú đã quy định:  Người đã thực hiện hành vi phạm tội, nhưng chưa bị phát giác, không kể phạm tội gì, thuộc trường hợp nghiêm trọng hay ít nghiêm trọng mà ra tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả tội phạm thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc được giảm nhẹ hình phạt; nếu cùng với việc tự thú mà còn lập công lớn, vận động được nhiều người khác đã phạm tội ra tự thú thì có thể được khen thưởng theo quy định chung của nhà nước"17. Như vậy người tự thú được miễn trách nhiệm hình sự khi có đủ những điều kiện sau:

- Tội phạm mà người tự thú đã thực hiện chưa bị phát giác, tức là chưa ai biết có tội phạm xảy ra hoặc có biết nhưng chưa biết ai là thủ phạm. Ví dụ: Phạm Thanh H thấy gia đình nhà anh Trần Quốc T không có ai ở nhà nên đã cậy cửa vào nhà lấy đi một chiếc Ti vi mầu. Sau hai tháng vụ trộm cắp này chưa tìm ra thủ phạm thì H đã đến cơ quan công an khai rõ hành vi phạm tội của mình và đem trả cho gia đình anh T chiếc Ti vi mà H đã lấy trộm.

- Người tự thú phải khai rõ sự việc góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, tức là khai đầy đủ tất cả hành vi phạm tội của mình cũng như hành vi phạm tội của những người đồng phạm khác, không giấu giếm bất cứ một tình tiết nào của vụ án, đồng giúp cơ quan điều tra phát hiện tội phạm như: chỉ nơi ở của kẻ đồng phạm hoặc dẫn cơ quan điều tra đi bắt kẻ đồng phạm đang bỏ trốn, thu thập các dấu vết của tội phạm, thu hồi tang vật.v.v... Nếu khai không rõ ràng hoặc khai báo không đầy đủ thì không được coi là tự thú để làm căn cứ miễn trách nhiệm hình sự.Ví dụ: Mai Ngọc T nhận làm gián điệp cho nước ngoài, T đã cung cấp nhiều tài liệu bí mật Nhà nước cho nước ngoài trong một thời gian 7 năm thì T ra tự thú với Cơ quan an ninh điều tra, như T chỉ khai làm gián điệp cho nước ngoài 4 năm và đã chấm dứt việc làm gián điệp, nhiều tài liệu bí mật Nhà nước T cung cấp cho nước ngoài, T không khai đầy đủ.

- Cùng với việc tự thú người tự thú phải cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm như: Trả lại tài sản đã chiếm đoạt; thông báo kịp thời cho người bị hại biết những gì đang đe doạ đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm danh dự hoặc tài sản để họ đề phòng; đòi lại hoặc thu lại những nguồn nguy hiểm mà họ đã tạo ra cho người hoặc cho những lợi ích khác v.v... Ví dụ: Đào Văn H đã bỏ thuốc độc vào bể nước của gia đình anh Đỗ Văn Q nhằm đầu độc anh Q, nhưng H đã tự thú và thông báo cho gia dình anh Q biết trong bể nước có thuốc độc để gia đình anh không dùng nước đã có thuốc độc, hậu quả được hạn chế tới mức thấp nhất nên H có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

-  Người phạm tội chủ động ngăn chặn hậu quả của tội phạm

Hậu quả của tội phạm là những thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho những quan hệ xã hội được luật hình bảo vệ. Những thiệt hại này có thể là thiệt hại cho Nhà nước ( độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chế độ chính trị, chế độ kinh tế, sở hữu nhà nước, trật tự xã hội...); cho công dân ( tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác...)

Người phạm tội chủ động ngăn chặn tức là chủ động làm cho hậu quả không xảy ra hoặc hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại cho Nhà nước hoặc cho công dân. Ngoài những trường hợp ngăn chăn hậu quả do tự thú, do tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, thực tiễn xét xử còn nhiều trường hợp người phạm tội chủ động ngăn chặn hậu quả khi hành vi phạm tội đã được thực hiện, nếu người phạm tội không chủ động ngăn chặn thì hậu quả tất yếu sẽ xảy ra. Ví dụ: A đã bỏ thuốc độc vào bể nước của nhà B, nhưng sau đó A đã viết một mảnh giấy dán vào thành bể có nội dung “ nước có thuốc độc” vì có mảnh giấy này nên gia đình B không ai uống nước, do đó không ai bị ngộ độc. Nếu phân tích hành vi này của A thì không thuộc trường hợp trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội vì A đã thực hiện hết hành vi khách quan của tội phạm, cũng không phải là tự thú vì A không tự nhận mình là người bỏ thuốc độc vào bể nước. Hành vi của A trong trường hợp này chỉ là hành vi chủ động ngăn chặn hậu quả. Bộ luật hình sự hiện hành của nước ta chưa quy định hành vi chủ động ngăn chặn hậu quả được loại trừ trách nhiệm hình sự nhưng trên thực tế những trường hợp này cơ quan tiến hành tố tụng đều khong truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi phạm tội đã chủ động ngăn chặn hậu quả.

Cần phân biệt hành vi chủ động ngăn chặn hậu quả với hành vi tự nguyện khắc phục hậu quả. Hành vi khắc phục hậu quả là hậu quả đã xảy ra rồi, người phạm tội chỉ tự nguyện sửa chữa, bồi thường những thiệt hại mà họ đã gây ra những thiệt hại này chủ yếu là thiệt hại về tài sản. Ví dụ: Một người đã tham ô 100.000.000 đồng của cơ quan, nhưng khi bị phát hiện họ đã tự đem nộp lại số tiền trên cho cơ quan. Hành vi tự nguyện khắc phục hậu quả chỉ được coi là tình tiết giám nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự chứ không được loại trừ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên điểm a khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự quy định: “ Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm ”. Như vậy, theo quy định này thì hành vi ngăn chặn, làm giám bớt tác hại của tội phạm chỉ được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chứ không được loại trừ trách nhiệm hình sự.

Cả hai trường hợp khoản 2 Điều 25 quy định trên cũng chỉ có thể được miễn trách nhiệm hình sự chứ không phải đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự, và vì vậy khi xem xét để miễn trách nhiệm hình sự cho người ra tự thú phải xem xét một cách tổng hợp, toàn diện căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; vào hậu quả đã xảy ra; vào thái độ khai báo của người tự thú; vào sự góp phần vào việc phát hiện, điều tra tội phạm; vào việc hạn chế hậu quả của tội phạm. Đồng thời phải cảnh giác với những người giả vờ tự thú để trốn tránh một tội phạm nghiêm trọng hơn hoặc chờ thời cơ lại tiếp tục thực hiện tội phạm.

- Người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục.(khoản 2 Điều 69 Bộ luật hình sự)

Đây là một trong những nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội, nhưng việc áp dụng nguyên tắc này cho đến nay chưa được hướng dẫn nên thực tiễn khởi tố, truy tố, xét xử còn ý kiến rất khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, qua thực tiễn xét xử việc miễn trách nhiệm hình sự cho người chưa thành niên phạm tội cần chú ý như sau:

Người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng  chỉ có thể là người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi, vì người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng. Do đó nếu các điều kiện khác như nhau thì người phạm tội ít nghiêm trọng khả năng được miễn trách nhiệm hình sự nhiều hơn người phạm tội nghiêm trọng.

Gây thiệt hại không lớn là căn cứ vào thiệt hại do hành vi phạm tội của người chưa thành niên gây nên của một tội phạm cụ thể. Ví dụ: người chưa thành niên cố ý gây thương tích cho người khác với tỷ lệ thương tật là 31% thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự phải coi là thiệt hại lớn, nhưng nếu họ chỉ cố ý gây thương tích cho người khác với tỷ lệ thương tật là 15% thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 104 thì được coi là gây thiệt hại không lớn.

Người chưa thành niên phạm tội có từ 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 trở lên được coi là có  nhiều tình tiết giảm nhẹ. Điều luật chỉ quy định có nhiều tình tiết giảm nhẹ chứ không quy định có nhiều tình tiết giảm nhẹ ở khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, nên các tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự cũng được tính để xác định người chưa thành niên phạm tội có tình tiết giảm nhẹ.

Khi có đủ các điều kiện trên, thì người chưa thành niên phạm tội phải được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục thì cơ quan tiến hành tố tụng mới miễn trách nhiệm hình sự. Đây là điều kiện không phải do từ phía người phạm tội mà do gia đình hoặc xã hội. Vì vậy, khi xét miễn trách nhiệm hình sự cho người chưa thành niên phạm tội, cơ quan tiến hành tố tụng cần liên hệ với gia đình, hoặc cơ quan, tổ chức để họ nhận giám sát giáo dục. Việc nhận giám sát giáo dục phải được lập thành văn bản và coi đây là tài liệu bắt buộc khi xét miễn trách nhiệm hình sự cho người chưa thành niên phạm tội.

Viện kiểm sát rút quyết định truy tố nhất thiết phải bằng văn bản gửi cho Toà án đang thụ lý vụ án, trong quyết định đó phải nêu rõ lý do rút quyết định truy tố và đề nghị Toà án đình chỉ vụ án. Tuy nhiên, như các phần trên chúng tôi đã phân tích, thời gian chuẩn bị xét xử có hai giai đoạn: trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử và sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, do đó, nếu Viện kiểm sát rút quyết định truy tố trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, thì việc định chỉ vụ án sẽ do Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà ra quyết định, nếu việc rút quyết định truy tố sau khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử, thì việc đình chỉ vụ án phải do Hội đồng xét xử quyết định. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử trong những năm qua dù Toà án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử nhưng việc ra quyết định đình chỉ vụ án vẫn do Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà quyết định. Đây cũng là vấn đề về lý luận và thực tiễn còn nhiều ý kiến khác nhau, cần được giải thích, hướng dẫn. Về nguyên tắc, khi Viện kiểm sát đã rút quyết định truy tố thì Toà án phải chấp nhận và ra quyết định đình chỉ vụ án. Nếu không đồng ý với quyết định rút quyết định truy tố của Viện kiểm sát thì có thể báo cáo với Viện kiểm sát cấp trên.

2. Các quyết định khác của Viện kiểm sát có liên quan đến giai đoạn chuẩn bị xét xử

Ngoài quyết định rút quyết định truy tố thật sự là trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, thì Viện kiểm sát còn có những quyết định khác chỉ có liên quan đến giai đoạn chuẩn bị xét xử chứ không nằm trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Xét về nguyên tắc thì các quyết định này của Viện kiểm sát là những quyết định sau khi Toà án đã trả hồ sơ cho Viện kiểm sát và như vậy hồ sơ vụ án lại trở về giai đoạn điều tra, truy tố. Tuy nhiên do có liên quan đến giai đoạn chuẩn bị xét xử, nên việc nghiên cứu nó là rất cần thiết. Trong giai đoạn này, Viện kiểm sát có thể có một số quyết định như sau:

- Quyết định trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung.

Sau khi nhận hồ sơ vụ án do Toà án quyết định trả để điều tra bổ sung, Viện kiểm sát phải nghiên cứu các yêu cầu điều tra bổ sung mà Toà án nêu trong quyết định trả hồ sơ, nếu thấy những vấn đề Toà án yêu cầu không thuộc thẩm quyền điều tra của Viện kiểm sát hoặc Viện kiểm sát không có khả năng thực hiện thì Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để Cơ quan điều tra bổ sung theo yêu cầu của Toà án. Trong quyết định trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra cũng cần phải nêu rõ lý do trả hồ sơ và nội dung những yêu cầu cần điều tra bổ sung như quyết định trả hố sơ của Toà án cho Viện kiểm sát. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy, Viện kiểm sát chỉ ra quyết định trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra còn nội dung những yêu cầu cần điều tra bổ sung trong quyết định chỉ ghi: “ điều tra theo yêu cầu của Toà án”. Cách làm tắt này về nguyên tắc là trái với quy định tại Điều 168 Bộ luật tố tụng hình sự về việc Viện kiểm sát trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

- Quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án

Sau khi nhận lại hồ sơ do Toà án trả để điều tra bổ sung, nếu thấy có căn cứ tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án, thì Viện kiểm sát ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án và báo cho Toà án biết vụ án đã được tạm đình chỉ hoặc đình chỉ theo quy định tại Điều 168 Bộ luật tố tụng hình sự. Căn cứ để Viện kiểm sát đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án được quy định tại Điều 168 như sau:

Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong những căn cứ quy định tại Điều 105 và Điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự hoặc tại Điều 19, Điều 25 và khoản 2 Điều 69 Bộ luật hình sự.

Viện kiểm sát ra quyết định tạm đình chỉ vụ án khi: Bị can bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo khác mà có chứng nhận của Hội đồng giám định pháp y; khi bị can bỏ trốn mà không biết rõ bị can đang ở đâu, trong trường hợp này phải yêu cầu Cơ quan điều tra ra lệnh truy nã bị can.

Trong trường hợp vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án không liên quan đến tất cả các bị can, thì có thể đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với từng bị can.

Trong trường hợp quyết định đình chỉ vụ án của Viện kiểm sát cấp dưới không có căn cứ và trái pháp luật, thì Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên cửa quyền huỷ bỏ quyết định đó và yêu cầu Viện kiểm sát cấp dưới ra quyết định truy tố.

- Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn

Sau khi nhận lại hồ sơ vụ án do Toà án trả để truy tố lại hoặc để điều tra bổ sung, Viện kiểm sát có quyền áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn, nếu là biện pháp tạm giam thì thời hạn tạm giam không được quá 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng. Trong trường hợp cần thiết Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn thêm, nhưng cũng không được quá 10 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng; không quá 15 ngày đối với tội rất nghiêm trọng; không quá 30 ngày đối với tội đặc biệt nghiêm trọng ( Điều 166 Bộ luật tố tụng hình sự ).

- Quyết định việc truy tố lại sau khi đã điều tra lại

Về nguyên tắc, sau khi Toà án đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung, thì vụ án được trở lại giai đoạn điều tra, truy tố. Vì vậy, dù kết quả điều tra bổ sung như thế nào, thì Viện kiểm sát cũng phải ra quyết định truy tố bằng một bản cáo trạng khác, kể cả trường hợp sau khi Toà án trả hồ sơ, Viện kiểm sát không đồng ý với quyết định trả hồ sơ của Toà án thì Viện kiểm sát vẫn phải ra quyết định truy tố bằng một bản cáo trạng khác. Thực tiễn xét xử, một số Viện kiểm sát đã không ra quyết định truy tố bằng một bản cáo trạng khác mà vẫn để bản cáo trang cũ rồi làm công văn chuyển hồ sơ đến Toà án để thụ lý lại. Cách làm này là trái pháp luật.


17  Toà án nhân dân tối cao. “Các văn bản về hình sự, dân sự và tố tụng” năm 1990.tr 163.

Nguồn: Thạc sỹ. Đinh Văn Quế