vi-VNen-US
Hotline: 0913460889 (Mr. Thơ – Luật sư)

BÀN VỀ TUỔI NGHỈ HƯU CỦA LAO ĐỘNG NỮ NƯỚC TA TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

15/05/2020 09:00        

Tăng hay không tăng tuổi nghỉ hưu cho người lao động hoặc chỉ tăng cho lao động nữ đang là một trong những vấn đề được xã hội quan tâm. Trong điều kiện của đất nước hiện nay, vấn đề này cần được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng để không làm mất đi cơ hội hưởng chế độ hưu trí của lao động và làm chậm đi sự phát triển nguồn nhân lực trẻ.

                                                                 

Một số vấn đề cần quan tâm khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu

Lao động là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội. Chăm lo cho người lao động là chăm lo cho sự phát triển ổn định và lâu dài của xã hội. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã nhấn mạnh về bảo đảm an sinh xã hội: “Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ giúp và cứu trợ xã hội đa dạng, linh hoạt, có khả năng bảo vệ, giúp đỡ mọi thành viên trong xã hội, nhất là các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, vượt qua khó khăn hoặc các rủi ro trong đời sống”.

Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tuổi nghỉ hưu thực tế bình quân chung là 53,2 tuổi, thấp hơn nhiều so với tuổi nghỉ hưu hiện nay, trong đó nam là 55,1 tuổi, nữ là 51,6 tuổi. Trong khi đó, tuổi thọ trung bình và điều kiện bảo đảm kéo dài cuộc sống của người Việt Nam đang tăng. Nếu như năm 1995 tuổi thọ trung bình của người dân là 65,2 tuổi, thì đến năm 2012 đã tăng lên tới trên 72 tuổi. Người lao động có thời gian nghỉ hưu nhiều hơn, nên trong chừng mực nào đó tạo áp lực về mất cân đối quỹ hưu trí và tử tuất trong tương lai. Chính điều này khiến cho ở phần lớn các nước, khi kinh tế phát triển, con người được chăm lo tốt hơn về vật chất và tinh thần, tuổi thọ tăng thì việc kéo dài thời gian làm việc và tham gia bảo hiểm xã hội là tất yếu.

Đối với thế giới, tăng tuổi nghỉ hưu là yếu tố quan trọng góp phần làm ra nhiều của cải cho xã hội, giúp người lao động cống hiến nhiều hơn, làm giảm áp lực cho quỹ lương hưu. Song cũng cần phải cân nhắc, vì tăng thời gian làm việc cho người lớn tuổi cũng đồng nghĩa với việc những người trẻ bị giảm cơ hội có việc làm. Do đó, việc tăng thêm tuổi nghỉ hưu, nhìn dưới góc độ doanh nghiệp và người lao động trực tiếp sản xuất không chỉ tạo áp lực cho người lao động mà còn tạo gánh nặng cho doanh nghiệp do phải trả lương cao nhưng nhận lại hiệu quả lao động thấp của bộ phận lao động lớn tuổi. Vì vậy, mỗi khi điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu thì chính phủ các nước rất cân nhắc và đòi hỏi một lộ trình đủ dài để có thể bảo đảm sự hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người lao động.

Riêng đối với nước ta, việc nâng tuổi nghỉ hưu có một số đặc điểm khác biệt so với thế giới cần được quan tâm khi lập chính sách. Đó là:

1. Độ tuổi nghỉ hưu tại Việt Nam hiện nay có phân biệt giữa lao động nam và lao động nữ. Các nghiên cứu về dân số học cho thấy lao động nữ có tuổi thọ trung bình cao hơn nam giới 3 tuổi. Theo thống kê năm 2012, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 72 tuổi, trong đó nam 70 tuổi, nữ 73 tuổi(1) nhưng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lại sớm hơn nam 5 tuổi. Điều này tạo ra sự chênh lệch càng lớn trong việc thực hiện chính sách giữa lao động nam và lao động nữ. 

2. Nếu như đối với các nước phát triển, việc tăng tuổi hưu kéo theo sự gia tăng áp lực thất nghiệp của lao động trẻ, do số việc làm mới tạo ra không tương ứng với số lao động trẻ bổ sung hằng năm, thì tại thời điểm hiện nay, Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của phát triển công nghiệp, nhu cầu lao động rất lớn, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn dựa chủ yếu vào công nghiệp thâm dụng lao động. Vì vậy, sự tác động của việc tăng tuổi nghỉ hưu đến tăng khả năng thất nghiệp đối với lao động trẻ sẽ không lớn.

3. Điều kiện học tập và nâng cao trình độ của người lao động ở nước ta còn hạn chế so với các nước. Việc đào tạo nguồn nhân lực sau đại học có tuổi đời thường cao hơn so với các nước. Thực tế, người học sau khi trở thành tiến sỹ tuổi đời thường đã ngoài 40 tuổi, do đó thời gian sử dụng nhân lực chất lượng cao bị hạn chế. Đối với lực lượng lao động trực tiếp, đa phần chưa được qua đào tạo. Quá trình làm việc tại doanh nghiệp, những người lao động này được đào tạo và hoàn thiện hơn, do đó tuổi đời lao động lành nghề thường lớn tuổi. Chính vì thế, việc kéo dài thời gian làm việc sẽ tạo điều kiện cho công nhân lành nghề, lao động có trình độ cao sử dụng kiến thức, kinh nghiệm làm việc phục vụ sản xuất là hợp lý. Nhưng điều này chỉ có thể áp dụng cho một số đối tượng nhất định, bởi lẽ lực lượng lao động chính trong xã hội hiện tại tập trung chủ yếu ở khu vực sản xuất mang đậm nét lao động giản đơn. Ở những điều kiện lao động như vậy, người lao động bị hao mòn sức khỏe nhanh chóng. Do đó, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu phải có lộ trình tương ứng với việc chuyển dịch kinh tế từ lao động giản đơn sang lao động kỹ thuật và việc cải thiện môi trường, điều kiện làm việc.

Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của lao động nữ cũng cần phải điều chỉnh cách tính lương hưu chung

Từ những đặc điểm trên, việc xác định độ tuổi nghỉ hưu của người lao động cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và có lộ trình phù hợp. Trong điều kiện hiện tại, khi tư tưởng của đa số người lao động nghỉ hưu vào độ tuổi 55 đối với nữ và 60 đối với nam, thì việc nâng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động cần có sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, có sự đồng thuận trong xã hội để tránh tư tưởng cho rằng việc nâng tuổi hưu làm mất đi cơ hội hưởng chế độ hưu trí khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và làm chậm đi sự phát triển nguồn nhân lực trẻ. Do vậy, trong thời gian trước mắt chỉ nên tập trung vào việc nâng tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ trong một số trường hợp để bảo đảm quyền bình đẳng trong việc làm, cơ hội giữa lao động nam và lao động nữ, cụ thể như sau:

Thứ nhất, việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ để bảo đảm quyền bình đẳng đối với lao động nam trong cơ hội việc làm, thăng tiến, cải thiện được các mức lương trung bình làm căn cứ để tính mức lương hưu cho lao động nữ, tránh việc cho rằng chúng ta đang có sự phân biệt đối xử và hạn chế quyền làm việc của lao động nữ. Tuy nhiên trong chừng mực nhất định, chỉ nên triển khai bước đầu với một số đối tượng nhất định như trong điều 187 Bộ Luật Lao động năm 2012 đã đề cập, cụ thể bao gồm người lao động làm công tác quản lý, có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Theo chúng tôi, phạm vi áp dụng chỉ nên giới hạn trong các cơ quan, tổ chức thuộc khối hành chính, sự nghiệp. Còn đối với khu vực doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) việc tuyển dụng và sử dụng lao động hoàn toàn do thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động theo cơ chế hợp đồng lao động, khi người sử dụng lao động có nhu cầu và người lao động có nguyện vọng dù cho người lao động đang hưởng chế độ hưu trí hằng tháng. Cơ chế này đã được quy định thực hiện từ năm 2003 đến nay và đã nhận được sự đồng tình từ phía các doanh nghiệp. Và Bộ Luật Lao động năm 2012 cũng mở ra cho doanh nghiệp có vốn nhà nước cũng có quyền thuê người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động ở vị trí giám đốc để điều hành doanh nghiệp.

Thứ hai, do Điều 187 Bộ Luật Lao động năm 2012 quy định: “Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm”. Vì vậy, cần xác định đây là quyền của người lao động chứ không phải là nghĩa vụ bắt buộc. Điều này nhằm bảo đảm chính sách được thực thi không làm giảm đi quyền lợi người lao động được hưởng. Cụ thể, có 2 vấn đề cần lưu tâm:

- Lao động nữ hoàn toàn có thể lựa chọn việc tiếp tục làm việc hoặc nghỉ hưu tại thời điểm đủ 55 tuổi và đủ thời gian tham gia bảo hiểm xã hội. Điều này nhằm bảo đảm việc người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý được đối xử bình đẳng như những người lao động khác.

- Người lao động được chủ động trong việc lựa chọn thời gian làm việc kéo dài, nhưng tối đa không quá 5 năm để bảo đảm phù hợp với nguyện vọng và sức khỏe của người lao động.

Những chính sách linh hoạt như vậy tạo điều kiện cho người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý có tâm lý thoải mái, linh hoạt trong việc thực hiện quyền làm việc trong độ tuổi của mình. Tuy nhiên để thực hiện đúng mục đích kéo dài thời gian làm việc nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao, có kinh nghiệm quản lý, cần thiết phải bảo đảm những đối tượng này thực tế là người có năng lực, đạo đức tốt, đóng góp hiệu quả, không vi phạm kỷ luật trong quá trình làm việc. Đồng thời, cần lưu ý gắn việc tăng tuổi hưu của lao động nữ làm công tác quản lý trong khối hành chính, sự nghiệp của Nhà nước với công cuộc cải cách hành chính hiện nay, vì theo đánh giá chung bộ máy hành chính nhà nước vẫn còn biểu hiện cồng kềnh, kém hiệu quả. 

Ngoài ra, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội đối với người lao động, về cách tính lương hưu: “Mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%”. Với quy định này, lao động nữ chỉ cần đóng góp 25 năm để hưởng mức lương hưu tối đa được phép còn lao động nam phải cần tới 30 năm. Vì vậy, khi tăng tuổi hưu đối với lao động nữ cần thiết phải điều chỉnh lại cách tính lương hưu để bảo đảm sự công bằng giữa những người có thời gian công tác và tham gia bảo hiểm xã hội như nhau, nhưng đồng thời vẫn phải bảo đảm mức lương hưu đối với lao động nữ không bị giảm sút so với trước đây trong trường hợp thời gian công tác kéo dài không đạt mức tối đa 5 năm kể từ ngày đủ 55 tuổi. Điều này rất quan trọng, bởi lẽ nguyên tắc bảo vệ người lao động là nguyên tắc nhất quán mà Đảng và Nhà nước triển khai trong nhiều năm qua./.

Theo Tạp chí Cộng sản